Nhà nước Khởi tạo: Vai trò và hành động của nhà nước trong công cuộc đổi mới sáng tạo quốc gia

Ngày 28/1/2021, Trường Đại học Kinh tế – ĐHQGHN đã tổ chức Tọa đàm “Nhà nước khởi tạo: Vai trò và hành động của nhà nước trong công cuộc đổi mới sáng tạo quốc gia”.

Tới tham dự chương trình có: PGS.TS. Nguyễn Anh Thu – Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế – ĐHQGHN; TS. Nguyễn Đình Cung – Nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Quản lý Kinh tế Trung ương; TS. Võ Trí Thành – Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược Thương hiệu và Cạnh tranh; PGS.TS. Trần Đình Thiên – Thành viên Tổ tư vấn của Thủ Tướng, Nguyên Viện trường Viện Kinh tế Việt Nam; ông Trần Mạnh Cường – Đồng sáng lập chương trình Nghiên cứu Kinh tế học mở rộng cùng các giảng viên và sinh viên Trường Đại học Kinh tế – ĐHQGHN.
Được biết đến là một bản kế hoạch chi tiết – một nghiên cứu sống động và trực quan về quá trình can thiệp thông minh và hiệu quả của Nhà nước, cuốn sách “Nhà nước Khởi tạo: Giải những huyền thoại về vai trò của nhà nước và khu vực tư nhân” của Giáo sư Mariana Mazzucato (Đại học Tổng hợp London)  đã phá vỡ những quan niệm lệch lạc, sai lầm về vai trò của nhà nước và đưa ra một cái nhìn hoàn toàn mới mẻ về vấn đề này. Với tầm quan trọng về khía cạnh lý luận của cuốn sách và bối cảnh hiện tại của Việt Nam, Trường Đại học Kinh tế – Đại học Quốc gia Hà Nội đã tổ chức Tọa đàm “Nhà nước khởi tạo: Vai trò và hành động của nhà nước trong công cuộc đổi mới sáng tạo quốc gia”.
Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đã và đang hiện hữu trong toàn bộ nền kinh tế của thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng. Nó mở ra nhiều cơ hội, nhưng đồng thời cũng đặt ra nhiều thách thức đối với Việt Nam trên con đường phát triển và hiện đại hóa nền kinh tế. Để đạt được những mục tiêu to lớn về Kinh tế – Xã hội mà Đảng và Chính phủ đề ra, tận dụng thành công sức bật từ cuộc cách mạng này, một trong những điểm nền tảng và mấu chốt nhất cần có chính là nhận thức đủ và toàn diện về vai trò của nhà nước và cách thức điều phối các thành phần khác trong nền kinh tế. Những bài học từ lịch sử đã cho thấy rằng, việc Nhà nước can thiệp quá sâu, quá ít hoặc không can thiệp vào nền kinh tế đều không thể tạo nên một nền kinh tế mạnh. Một sự can thiệp thông minh, vừa đủ, đúng lúc chính là giải pháp mà Nhà nước cần có.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *