Tìm kiếm và truy lùng sự thực về những sự vật, hiện tượng xung quanh là một bản năng và khao khát vốn có của con người. Trong quá trình truy lùng này, con người phát triển và hình thành nên các loại lý thuyết, các môn khoa học để phục vụ mục đích hệ thống hóa toàn bộ những kiến thức, kinh nghiệm thu lượm được. Từ đó, chúng ta có những công cụ để lý giải thế giới vạn vật một cách chính xác và nhanh chóng. Đó chính là thành quả mà tổ tiên chúng ta đã gây dựng và chúng ta đang là những người kế thừa những thành quả ấy. Ví như những tranh cãi xoay quanh thuyết nhật tâm và thuyết địa tâm, hay những nghiên cứu và những cuộc khám phá nhằm minh chứng cho hình dạng thực sự của trái đất. Tất cả những tranh cãi, thắc mắc này hiện nay đều đã có lời giải, nhưng cách đây hàng trăm năm, tổ tiên chúng ta đã mất hàng thế hệ, hi sinh cả tính mạng để có được những sự thực ấy.
Trong bài viết này tôi muốn nói tới một môn khoa học cũng được sinh ra từ tinh thần ấy – Kinh tế học. Nếu bạn đang muốn tìm kiếm những lời giải cho những thắc như: nền kinh tế vận hành như thế nào, lạm phát từ đâu mà có, khi nào thì những cuộc khủng hoảng xảy ra và kết thúc… thì môn khoa học nữ hoàng này sẽ giúp bạn có được câu trả lời thỏa đáng.
Kinh tế học chính thức được khai sinh bởi Adam Smith – nhà kinh tế lỗi lạc của xứ sở Scotland vào năm 1776 bằng sự ra đời của đại tác phẩm “Nguồn gốc Của cải của Các Quốc gia”. Trải qua nhiều thăng trầm và biến động, môn khoa học này cứ thế mở rộng từ Kinh tế học Cổ điển đến Kinh tế học Tân Cổ điển, Kinh tế học Keynes, Kinh tế học Thể chế… và chúng ta đã có thêm những người khổng lồ trong ngành như Karl Marx, Joseph Schumpeter, John Maynard Keynes, F. A. Hayek, John Stuart Mill, Thorstein Veblen… Các nhà kinh tế này đại diện cho những trường phái khác nhau, những góc nhìn khác nhau về khoa học kinh tế. Họ duy trì và phát triển ngày càng rộng lớn vương quốc của các nhà kinh tế. Thế nhưng cũng chính vì quá rộng lớn, nên nó khiến những người nghiên cứu và kể cả những người ngoài ngành bị mê hoặc và lạc lối trong thánh địa này.
Toán và các mô hình trong Kinh tế học
Nhưng dù có phát triển như thế nào đi chăng nữa, tôi cho rằng Kinh tế học chỉ có một nhiệm vụ duy nhất: Giải thích và tiên đoán được các hiện tượng kinh tế – xã hội, những tương tác giữa các thành phần trong nền kinh tế. Để làm được điều này, lẽ dĩ nhiên là chúng ta phải xây dựng những lý thuyết, những tiên đề giá trị và chắc chắn. Nhà kinh tế Ấn Độ Dasgupta từng nói:
Một hệ thống lý thuyết kinh tế phát triển để trả lời các câu hỏi xuất phát từ một tập những trường hợp trong một nền kinh tế. Khi các trường hợp thay đổi, hoặc thái độ của người dân đến những trường hợp này thay đổi, những câu hỏi được xem xét lại, và một hệ thống mới xuất hiện” (Dasgupta 1985:4)
Các nhà kinh tế thường quan sát những hiện tượng, tương tác trong một môi trường, hoàn cảnh và phạm vi nhất định. Từ đó họ có những những phép kiểm chứng, đánh giá để rút ra kết luận và tổng quát hóa lập luận của mình. Lý thuyết được hình thành từ quá trình đó. Nhưng từ này chứa quá nhiều tham vọng, mà chúng ta có thể dùng một từ khác thay thế – “mô hình”. Về cơ bản, mô hình giống như một môi trường ảo được nhà nghiên cứu tạo nên bằng những giả định và điều kiện cho trước. Dựa trên những giả định ban đầu này, kèm theo số liệu và phương pháp phân tích, chúng ta có những kết quả dùng để đưa ra khuyến nghị và hàm ý chính sách.
Nói một cách đơn giản là tại sao một vài ý tưởng được chấp nhận, và một số khác bị từ bỏ hoặc bị đặt ngoài lề. Trong các môn khoa học tự nhiên, câu hỏi này tương đối dễ trả lời: những ý tưởng mới đưa chúng ta đến gần sự thật hơn so với những ý tưởng cũ. Cũng vì lẽ này, vật lý lượng tử đã thay thế vật lý cổ điển (Cartwight 1999-2). Sự thật sẽ không thay đổi, chỉ có các lý thuyết thay đổi để cải thiện hiểu biết của chúng ta về sự thật. Sức mạnh tiên đoán là sự kiểm nghiệm cuối cùng của một giả thuyết khoa học về sự thật. (Robert Skidelsky)
Nhìn chung, chúng ta sẽ luôn phải phát triển các mô hình của mình để cải thiện hiểu biết về thế giới xung quanh. Một lý thuyết – mô hình tốt nằm ở chỗ nó có tiên đoán được những gì sắp xảy đến hay không.
Thế nhưng, chúng ta đều biết rằng Kinh tế học đã trải qua một cơn bĩ cực, khi thất bại trong việc dự báo cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008 – 2011. Kể từ đây, những người ngoài ngành và công chúng bắt đầu nghi ngờ về tính chính xác của ngành học này. Tại sao lại như vậy? Tất cả những công cụ, mô hình kinh tế của chúng ta – sau hàng thế kỷ phát triển hóa ra chỉ là đồ bỏ đi hay sao? Đến mức, Nữ hoàng Anh Elizabeth trong một cuộc gặp với các nhà kinh tế đã phải nói rằng: Tại sao không ai tiên đoán được nó(Cuộc khủng hoảng)?
Bởi vậy, niềm kiêu hãnh về môn khoa học quyền lực và đỉnh cao – thứ đã giúp loài người tiến lên những tầm cao mới, vượt ra khỏi những giới hạn của mình giờ đây lại đặt trong vòng nghi hoặc. Trong “Các Quy tắc trong Kinh tế học”, GS Dani Rodrik thuộc Đại học Harvard nói về ba nguyên nhân cho việc ấy.
Thứ nhất, chúng ta thiếu đi những người truy lùng sự thật theo phong cách của Adam Smith hay Karl Marx. Họ là những người khổng lồ trong kinh tế học. Thứ hai, các nhà kinh tế đã và đang thực sự tham vọng khi muốn biến kinh tế học trở thành một môn khoa học chính xác như Toán học. Điều này là không thể, bởi chúng ta cần hiểu, Kinh tế học là môn khoa học nghiên cứu về các vấn đề xã hội, mà xã hội thì không có các quy tắc phổ quát, cố định. Keynes đã từng muốn các kinh tế giống như những bác sĩ nha khoa. Nhưng có lẽ, nha khoa vẫn là mục tiêu quá cao vời. Thứ ba, các nhà kinh tế quá tin tưởng vào các mô hình của mình. Và có vẻ như họ đang khiến các mô hình của mình trở nên phức tạp, đồ sộ và toán hóa hơn bao giờ hết.
Bất kỳ ai từng học đại học chuyên ngành kinh tế, đặc biệt là khi trải qua những môn như Toán cao cấp, Kinh tế lượng, Xác suất thống kê đều sẽ phải thắc mắc về vai trò hay chức năng của những công cụ này.
Kinh tế học là một môn khoa học xã hội, nhưng nó lại sử dụng những phương pháp toán học. Chính điều này khiến những lập luận và kết quả của nó chắc chắn hơn tất cả các môn khoa học xã hội khác. Nhưng không phải vì thế mà chúng ta có thể kỳ vọng vào một mức độ chính xác như Toán học hay Vật Lý. Cũng không thể phủ nhận rằng một số nhà kinh tế đã quá mải mê phát triển các mô hình toán mà quên mất rằng, chúng chỉ là biểu hiện của những ý tưởng, những tương tác xã hội trong nền kinh tế thực.
“Toán học khiến kinh tế học trở thành một môn khoa học, nhưng không may cũng biến nó thành một tử thi.” (Kenneth Boulding)
Thực ra, chúng ta cần hiểu rằng việc sử dụng toán học không làm kinh tế học trở nên sang trọng và vinh quang hơn. Về cơ bản, Toán giúp các lập luận trong phân tích kinh tế trở nên rõ ràng và nhất quán. Trong quá khứ, hầu hết những nhà kinh tế lớn đều đã xây dựng các lý thuyết của mình dưới dạng lời nói. Vì lẽ đó mà cho đến ngày nay, người ta vẫn băn khoăn rằng thực sự thì những người như John Maynard Keynes đã nói gì. Thế nhưng, kể từ Stiglitz, Robert Lucas hay Ken Arrow, chúng ta không cần phải bàn cãi nhiều về những điều họ thực sự muốn truyền tải.
Vậy còn các mô hình thì sao? Phải rồi, các mô hình là một bộ khung hoàn cảnh, trong đó chứa các giả định. Và nó dùng để giải quyết tình huống mà bạn đang gặp phải, muốn tìm lời giải. Bằng một cách so sánh trần trụi, chúng ta có thể ví các mô hình giống như những câu chuyện ngụ ngôn. Hay với một cách khoa học hơn, chúng ta có thể xem các mô hình như những cuộc thí nghiệm.
“Khi thực tế thay đổi, tôi thay đổi quyết định của mình. Còn Ngài sẽ làm gì, thưa Ngài?” (John Maynard Keynes)
Thế nhưng, không may là thay vì tập trung vào việc phát triển những mô hình nhỏ, tùy theo hoàn cảnh, các nhà kinh tế lại thường cố gắng xây dựng những mô hình lớn, có tính phổ quát và được trang bị những công thức toán học phức tạp. Bên cạnh đó, họ có xu hướng cho rằng, chỉ khi xây dựng những mô hình đồ sộ, phức tạp như vậy, họ mới có được sự tôn trọng của những người trong ngành.
Kiêu hãnh và Định kiến
Trải qua nhiều biến động và thăng trầm, đóng góp của Kinh tế học dưới danh nghĩa một môn khoa học xã hội cho sự phát triển của nhân loại là không thể phủ nhận. Tuy nhiên, để giúp ngành học hành đi xa hơn, những người đang thực hành môn khoa học này – những nhà kinh tế cần tỉnh táo và hiểu được giới hạn của chính mình.
Mượn lời tác phẩm kinh điển của nữ nhà văn Anh Jane Austen, tôi muốn làm bật hai khía cạnh khi nhìn về kinh tế học: Kiêu hãnh và Định kiến. Hẳn nhiên, với những thành tựu và đóng góp của mình cho sự thịnh vượng của các quốc gia, các nhà kinh tế hoàn toàn có quyền tự hào về những lý thuyết, tư tưởng của mình. Họ đã đưa loài người vươn xa khỏi những giới hạn mà trước đây chưa từng được biết tới. Họ tạo ra và phát triển một môn khoa học mới để giải mã những hiện tượng đời sống xung quanh và được mệnh danh là “các triết gia thế tục”. Bằng việc gọi Kinh tế học là môn khoa học nữ hoàng, chúng ta có thể thấy tầm vóc và vị thế của môn khoa học này lớn đến mức nào.
Nhưng, đi kèm với niềm kiêu hãnh của các nhà kinh tế chính là những định kiến mà những nhà phê bình dành cho Kinh tế học. Có thể kể tới những quan điểm phổ biến như: Kinh tế học quá đơn giản và thiển cận, khi bỏ qua vai trò của văn hóa, lịch sử và các điều kiện cơ bản khác trong quá trình phân tích; Kinh tế học chỉ ca tụng sức mạnh thị trường, tính duy lý và tính tư lợi; Kinh tế học chứa đầy những phán đoán về giá trị tiềm ẩn, và đặc biệt, nó thất bại trong việc dự đoán sự phát triển của nền kinh tế. Phần lớn những định kiến này là do có quá nhiều thông tin sai lệch về công việc của các nhà kinh tế và sự hiểu sai về bản chất của kinh tế học.
Tất nhiên, việc có những định kiến này, một phần lỗi thuộc về các nhà kinh tế. Nhưng một khi chúng ta hiểu và nhận ra giá trị của Kinh tế học, tôi tin chắc rằng, những phê bình và định kiến không hoàn toàn chính xác kia sẽ bị chôn vùi. Và một viễn cảnh mới sẽ mở ra với khoa học kinh tế.
(Theo CafeF)
—
Tài liệu tham khảo
Skidelsky, Robert. “The Crisis of Capitalism: Keynes versus Marx.” Indian Journal of Industrial Relations, vol. 45, no. 3, 2010, pp. 321–335.
Rodrik, Dani. Economics Rules: The Rights and Wrongs of The Dismal Science. New York: W.W. Norton; 2015
Heilbroner, Robert L. The Worldly Philosophers; the Lives, Times, and Ideas of the Great Economic Thinkers. New York: Simon and Schuster, 1961. Print.
Buchholz, Todd G. New Ideas from Dead Economists: an Introduction to Modern Economic Thought. New York: Plume, 1990. Print.