Vai trò nhà nước khởi tạo trong nền kinh tế

Giáo sư Mariana Mazzucato (Đại học Tổng hợp London) đã gây ra sự bất ngờ – như mô tả của Giáo sư Trần Văn Thọ – khi bàn về chủ đề tuy “cũ” nhưng gây tranh cãi bất tận là quan hệ giữa nhà nước (state) và thị trường (market) bằng việc chỉ ra nhiều “hiểu lầm” về mối quan hệ giữa nhà nước và khu vực tư nhân.

Trong cuốn sách “Nhà nước Khởi tạo: Giải những huyền thoại về vai trò của Nhà nước và khu vực tư nhân” của mình, Giáo sư Mariana Mazzucato cho thấy điều ngược lại: khu vực tư nhân chỉ có được sự can đảm để đầu tư sau khi nhà nước khởi tạo đã thực hiện nhiều khoản đầu tư rủi ro cao trước đó. Những nghiên cứu từ các ngành công nghệ thông tin, công nghệ sinh học, công nghệ nano của bà trong công trình này dẫn dắt cho luận điểm rằng trong lịch sử của chủ nghĩa tư bản hiện đại, nhà nước không chỉ sửa chữa những thất bại của thị trường, mà còn tích cực định hình và tạo ra thị trường. Điều này khác với quan điểm phổ biến cho rằng nhà nước nên từ bỏ, hoặc ít nhất cũng cần tiết chế sự can thiệp đối với nền kinh tế và để thị trường tự do hoạt động.

Những biến động kinh tế đương đại ngày nay cho thấy sự kết hợp hài hoà các mô hình và chính sách kinh tế để đạt được mục tiêu chung, theo đó vai trò của nhà nước và tư nhân được xem xét một cách khách quan hơn. Một xã hội văn minh không thể hoạt động hiệu quả nếu không có một chính phủ hiệu quả. Một xã hội cũng không thể có nền kinh tế mạnh nếu thiếu đi sự tham gia tích cực của các nhà kinh doanh.

Giáo sư Trần Văn Thọ trong lời giới thiệu cuốn sách nhấn mạnh thuật ngữ “Entrepreneurial State”. Entrepreneurial hay entrepreneurship là thuộc tính của doanh nghiệp, chỉ tinh thần mạo hiểm, khám phá và áp dụng cái mới để làm ra sản phẩm mới hay phương pháp sản xuất mới, tìm kiếm thị trường mới, nguyên liệu mới… Ông cho rằng, thuộc tính này được gắn cho nhà nước (State) để chủ trương vai trò khởi tạo của nhà nước là một sáng tạo. Nếu có một chính sách kinh tế khéo léo, một con đường có tính sáng tạo, phù hợp với thời cuộc để bên cạnh việc xây dựng một nền kinh tế nhiều thành phần vận hành theo cơ chế thị trường, vai trò của nhà nước trở nên hợp lý.

Bàn chủ đề này trong bối cảnh hiện nay của Việt Nam, hay xem xét giá trị về khía cạnh lý luận tư tưởng kinh tế, những luận điểm của Giáo sư Mariana Mazzucato trong cuốn sách khơi gợi những ý tưởng bàn luận thú vị.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc trong phiên họp đầu tiên sau khi nhậm chức ngày 26/7/2016 trước Quốc hội và cử tri cả nước, đã xác định rõ mục tiêu xây dựng Chính phủ mới là “Chính phủ kiến tạo phát triển, liêm chính, hành động quyết liệt, phục vụ Nhân dân”. Với sự phát triển mạnh mẽ của cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra tại nhiều nước phát triển, Chính phủ Việt Nam nhanh chóng nhận ra rằng một “chính phủ kiến tạo” có thể là chưa đủ. Để có thể phát huy tinh thần đổi mới sáng tạo và đưa nó thành một nhân tố nền tảng cho đổi mới mô hình tăng trưởng kinh tế ở Việt Nam, Chính phủ cần thiết kế chính sách theo tinh thần “khởi tạo” (entrepreneurial spirit).

Toạ đàm giới thiệu cuốn sách “Nhà nước khởi tạo” với chủ đề: “Từ Chính phủ Kiến tạo đến nhà nước khởi tạo: Vai trò của Nhà nước trong nền kinh tế 4.0” do Trường Chính sách Công và Quản lý Fulbright (FSPPM) tổ chức sẽ bàn luận sâu về chủ đề này. Tiến sĩ Nguyễn Sĩ Dũng, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Việt Nam, Tiến sĩ Vũ Thành Tự Anh, Giám đốc Trường Chính sách công và Quản lý Fulbright và Tiến sĩ Vũ Duy Thức – Nhà sáng lập, CEO Kambria & OhmniLabs sẽ tham gia thảo luận chủ đề dưới các góc nhìn chuyên môn của mình.

Thời gian: Từ 13:30 đến 16:00 giờ ngày 16 tháng 03 năm 2021.

Địa điểm: Tầng trệt, Trường Chính sách công và Quản lý Fulbright, Đại học Fulbright Việt Nam, 105 Tôn Dật Tiên, Phường Tân Phú, Quận 7, TPHCM.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *