(Wiktor Osiatynski phỏng vấn Noam CHOMSKY)
CÂU HỎI: Ngài đại diện cho một hướng tiếp cận nhân chủng học tới ngôn ngữ học. Vậy ngài có nghĩ rằng ngôn ngữ học có thể góp phần vào việc nhận thức những vấn đề triết học về bản chất con người và văn hoá hay không?
CHOMSKY: Tôi có cảm tưởng rằng một cá thể người hay bất cứ sinh vật phức tạp nào khác cũng có một hệ thống các cấu trúc nhận thức phát triển giống như cách thức phát triển của các cơ quan của cơ thể. Tức là, những đặc tính nền tảng của chúng là bẩm sinh; những hình thức cơ bản của chúng được quyết định bởi cấu trúc di truyền. Dĩ nhiên chúng phát triển dưới những điều kiện môi trường cụ thể, mang lấy một hình thức đặc thù chứa đựng một vài biến thể. Đa phần những cái dùng để phân biệt các cá nhân là một bộ dạng đặc thù, trong đó có sự phát triển của nhiều cấu trúc nhận thức chung.
Có lẽ thứ rắc rối nhất trong những cấu trúc này là ngôn ngữ. Trong khi nghiên cứu ngôn ngữ, chúng ta có thể khám phá ra rất nhiều những đặc tính cơ bản của cấu trúc nhận thức này, tổ chức của nó, và cả những khuynh hướng di truyền cung cấp nền tảng cho sự phát triển của nó.
Bởi vậy ở phương diện này, ngôn ngữ học trước hết cố gắng mô tả một đặc trưng chính yếu của tổ chức nhận thức của con người. Và thứ hai, tôi nghĩ rằng nó có thể cung cấp một mẫu hình gợi ý cho việc nghiên cứu về những hệ thống nhận thức khác. Và tập hợp của những hệ thống này là một phương diện của bản chất con người.
CÂU HỎI: Vậy thì ngôn ngữ là một chìa khoá để khám phá bản chất con người?
CHOMSKY: Trong tư duy khoa học phương Tây suốt những thế kỉ qua đã tồn tại một khuynh hướng cho rằng bản chất con người bị giới hạn vào cấu trúc vật chất có thể quan sát được trực tiếp của cơ thể. Và rằng đối với những khía cạnh khác của bản chất con người, đặc biệt là đối với hành vi, không có cấu trúc di truyền nào quyết định chúng giống như tổ chức cơ thể có thể quan sát trực tiếp được. Bởi vậy những cấu trúc vật chất và những cấu trúc trí năng thường được nghiên cứu theo những cách thức khác nhau. Giả định được đưa ra: các cấu trúc vật chất là được kế thừa di truyền và các cấu trúc trí năng là phải học hỏi.
Tôi nghĩ rằng giả định ấy là sai. Chẳng cấu trúc nào là phải học hỏi cả. Tất cả chúng đều phát triển; chúng phát triển theo những cách thức có thể so sánh được; những hình thức cơ bản của chúng phụ thuộc mạnh mẽ vào những khuynh hướng di truyền. Nếu chúng ta hiểu – trong khi thực sự chúng ta lại không hiểu – những nền tảng vật chất của những cấu trúc này, tôi có một chút hồ nghi là chúng ta sẽ tìm thấy những cấu trúc trong não bộ dành cho các tương tác xã hội, hoặc là ngôn ngữ, hoặc là sự phân tích nhân cách – một toàn thể những hệ thống khác nhau đã phát triển trên nền tảng của một thiên tư sinh học đặc thù.
CÂU HỎI: Ý ông là tất cả những hành vi của chúng ta là bẩm sinh, được quyết định một cách di truyền?
CHOMSKY: Không phải tất cả, nhưng những cấu trúc cơ bản của hành vi con người là bẩm sinh. Những đặc điểm đặc thù về cách thức mà chúng phát triển sẽ phụ thuộc vào sự tương tác với môi trường.
CÂU HỎI: Giả sử ngôn ngữ học có thể miêu tả được một cấu trúc như thế, vậy thì những phát hiện sẽ được áp dụng cho tất cả các hoạt động trí năng của chúng ta? Chúng ta chỉ suy nghĩ bằng ngôn ngữ thôi hay sao? Hay còn tồn tại những hình thức tư duy phi ngôn ngữ nào nữa?
CHOMSKY: Việc phân tích các cấu trúc ngôn ngữ có thể giúp ích trong việc nhận thức các cấu trúc trí năng khác. Có những bằng chứng khoa học cho câu hỏi liệu có phải chúng ta chỉ suy nghĩ bằng ngôn ngữ thôi hay không. Nhưng sự mặc tưởng (introspection – nội quan, tự xem xét mình) chỉ ra khá rõ ràng rằng chúng ta không nhất thiết phải suy nghĩ bằng ngôn ngữ. Chúng ta cũng có thể suy nghĩ bằng các hình ảnh thị giác, chúng ta có thể suy xét bằng các tình huống và các sự kiện… Và rất nhiều lần chúng ta thậm chí không thể nói ra bằng lời những thứ đang ở trong đầu chúng ta. Và ngay cả khi chúng ta có khả năng thể hiện nó bằng lời thì đó chỉ là một lối nói khuôn sáo và sau đó ta sẽ nhận ra rằng nó không phải là những gì ta muốn nói, nó lại là cái gì khác rồi.
Điều này có nghĩa là gì? Rằng có một loại tư duy phi ngôn ngữ đang diễn ra mà chúng ta cố gắng thể hiện nó bằng ngôn ngữ, và chúng ta biết rằng đôi khi chúng ta thất bại.
CÂU HỎI: Đã vài lần tôi đọc được rằng chúng ta suy nghĩ bằng ngôn ngữ nhưng lại “cảm nhận” theo những cách phi ngôn ngữ.
CHOMSKY: Tôi biết đó là sai lầm của tôi, ít nhất là nếu từ “ngôn ngữ” quy chiếu tới (trong trường hợp của tôi) tiếng Anh, và tôi cho rằng đó cũng là sai lầm của những người khác nữa. Tôi không nghĩ rằng anh sẽ chẳng gặp chút rắc rối nào trong việc quyết định suy nghĩ về một sự kiện, hình dung ra những hệ quả của nó, dựng lên một phân tích lí trí về nó mà không có khả năng phát biểu ra nó một cách tương xứng với tất cả sự phức tạp của nó.
CÂU HỎI: Ngài đã sử dụng cụm từ “phân tích lí trí”. Ngài tin rằng tất cả suy nghĩ của chúng ta là lí trí và theo tuyến tính?
CHOMSKY: Tôi không nghĩ rằng tất cả suy nghĩ là một loại cấu trúc lí trí. Nhưng tôi không nghĩ rằng việc đồng nhất thế lưỡng phân lí trí – phi lí trí với thế lưỡng phân ngôn ngữ – phi ngôn ngữ là việc làm đúng đắn.
CÂU HỎI: Ngôn ngữ có thể nào là phi duy lí?
CHOMSKY: Đúng vậy, cho nên đó là hai chiều kích không tương liên. Đúng là ngôn ngữ nằm trong một chiều tuyến tính nhưng nó rõ ràng như thể không gian tri giác là ba chiều.
CÂU HỎI: Như tôi hiểu thì ngôn ngữ có một nền tảng sinh học bẩm sinh. Nhưng sự sử dụng ngôn ngữ lại có tính xã hội. Ngài nghĩ sao về những chức năng xã hội của ngôn ngữ? Trước hết nó là một phương tiện giao tiếp?
CHOMSKY: Tôi nghĩ một phương diện rất quan trọng của ngôn ngữ có liên quan tới sự thiết lập các mối quan hệ và tương tác xã hội. Thông thường, điều này được miêu tả là giao tiếp. Nhưng tôi nghĩ điều đó rất gây hiểu lầm. Phục vụ ý định giao tiếp chỉ là một phần nhỏ của sự sử dụng ngôn ngữ. Giao tiếp ám chỉ tới một nỗ lực làm cho mọi người hiểu ý của một người. Và đương nhiên đó là một sự sử dụng ngôn ngữ và là một sự sử dụng mang tính xã hội. Nhưng tôi không nghĩ rằng nó là sự sử dụng ngôn ngữ mang tính xã hội duy nhất. Có những cách sử dụng mang tính xã hội khác nữa. Ví dụ, ngôn ngữ có thể được sử dụng để thể hiện hoặc gạn lọc những suy nghĩ của một người mà rất ít dính dáng đến bối cảnh xã hội, nếu có.
Tôi nghĩ ngôn ngữ là một phương tiện rất quan trọng mà nhờ đó loài người, vì bản chất sinh học của nó, tạo ra một loại không gian xã hội, để đặt chính nó trong những tương tác với những người khác. Nó không liên quan lắm đến giao tiếp trong nghĩa hẹp, tức là sự truyền tin. Có nhiều thông tin được truyền đi nhưng nó không phải là nội dung của cái được cho là được truyền đi. Ở đây rõ ràng là có rất nhiều điều để nghiên cứu về sự sử dụng ngôn ngữ mang tính xã hội, để giao tiếp hay vì những mục đích khác. Nhưng như tôi được biết thì hiện nay không có nhiều lí thuyết cho lắm về ngôn ngữ học xã hội, về sự sử dụng ngôn ngữ mang tính xã hội.
CÂU HỎI: Vậy thì trong lĩnh vực ngôn ngữ học, những thành tựu lớn nhất là gì?
CHOMSKY: Tôi nghĩ công việc quan trọng nhất của ngôn ngữ học vẫn đang diễn ra có liên quan tới việc nghiên cứu những đặc trưng hết sức tổng quát và trừu tượng của cái mà đôi khi được gọi là ngữ pháp phổ quát: những đặc tính chung của ngôn ngữ phản ánh một loại tất yếu sinh học hơn là một loại tất yếu logic; tức là những đặc tính của ngôn ngữ là những đặc tính bất biến tất yếu, và được biết rõ mà không cần phải học hỏi. Chúng ta biết những đặc tính ấy nhưng chúng ta không học chúng. Chúng ta chỉ đơn giản sử dụng hiểu biết của chúng ta về những đặc tính ấy như là nền tảng cho việc học hỏi thôi.
CÂU HỎI: Chúng ta được thừa hưởng tri thức này nhờ di truyền?
CHOMSKY: Đúng, hẳn là thế. Trong thực tế thì ngữ pháp phổ quát với tôi chỉ là hệ thống các nguyên tắc và các cấu trúc là những điều kiện tiên quyết cho sự thụ đắc ngôn ngữ, và mọi ngôn ngữ đều phù hợp một cách tất yếu với nó.
CÂU HỎI: Điều đó có nghĩa nền tảng di truyền của ngôn ngữ là phổ quát?
CHOMSKY: Đúng như vậy. Nhưng chúng ta chỉ là một loài mà thôi. Anh có thể tưởng tượng một thế giới khác, trong đó có một số loài phát triển với những hệ thống ngôn ngữ được di truyền khác. Nó đã không xảy ra trong tiến hoá. Điều xảy ra là một loài phát triển, và cấu trúc di truyền của loài này tình cờ bao hàm nhiều nguyên tắc trừu tượng phức tạp của tổ chức ngôn ngữ mà bởi vậy ràng buộc mọi ngôn ngữ, và trong thực tế tạo ra cơ sở cho việc học ngôn ngữ như một cách tổ chức kinh nghiệm hơn là thiết lập điều gì đó học được từ kinh nghiệm.
CÂU HỎI: Tri thức như vậy sẽ giúp ích cho việc nhận thức bản chất con người?
CHOMSKY: Nó sẽ hữu ích, ở hai khía cạnh. Thứ nhất, đó là bởi chính nó là một phần của một nghiên cứu về trí tuệ con người, cái có lẽ là khía cạnh trung tâm của bản chất con người. Và thứ hai, tôi nghĩ nó là một mô hình tốt để nghiên cứu những đặc tính khác của con người, cái phải được nghiên cứu bởi các nhà tâm lí học.
CÂU HỎI: Ý ngài là tâm lí học có thể giúp ích cho ngôn ngữ học? Ngài có thể giải thích là giúp ích như thế nào hay không?
CHOMSKY: Thứ mà cả anh và tôi đều biết là ngôn ngữ. Thứ nữa là cách thức các đối tượng hành xử trong không gian tri giác. Chúng ta có một loạt những cách thức phức tạp để nhận thức cái gì là bản chất của không gian thị giác. Một phần đích đáng của tâm lí học phải là, và trong những năm gần đây đã và đang là, một nỗ lực để cố gắng phát hiện những nguyên tắc của cách thức chúng ta tổ chức không gian thị giác. Tôi sẽ nói rằng điều tương tự cũng đúng với mọi lĩnh vực tâm lí học, mọi nghiên cứu nhân văn. Ví dụ, để hiểu cách thức con người tổ chức các hệ thống xã hội, chúng ta phải phát hiện ra những nguyên tắc mà chúng ta tạo ra để làm cho một vài xã hội nào đó là khả tri.
CÂU HỎI: Tôi hiểu rằng chúng ta cũng có thể có một loại ngữ pháp phổ quát của những hình thức phi ngôn ngữ của hành vi con người. Nhưng nếu, như ngài nói, hành vi và ngôn ngữ của chúng ta được định hướng một cách sâu sắc bởi những nguyên tắc phổ quát, vậy thì tại sao trên thế giới chúng lại khác biệt nhau quá nhiều như vậy?
CHOMSKY: Tôi không nghĩ chúng khác nhau nhiều lắm đâu. Tôi nghĩ rằng, là con người, chúng ta khá tự nhiên khi mặc nhiên thừa nhận những điểm giống nhau giữa mọi người và do vậy chú ý tới những cái phân biệt chúng ta với nhau. Điều đó hoàn toàn dễ hiểu đối với con người chúng ta. Tôi cho rằng loài ếch chẳng chú ý tới việc chúng là ếch. Chúng mặc định coi là thế. Điều mà một con ếch quan tâm là sự khác biệt giữa những con ếch. Từ điểm nhìn của chúng ta, lũ ếch ít hay nhiều đều như nhau cả, còn từ điểm nhìn của chúng thì chúng hoàn toàn khác nhau.
Chúng ta cũng tương tự vậy thôi. Đối với chúng ta, tất cả chúng ta đều rất khác biệt, ngôn ngữ của chúng ta rất khác biệt, và các xã hội của chúng ta rất khác biệt. Nhưng nếu chúng ta có thể tự tách mình ra khỏi điểm nhìn của chúng ta và phần nào nhìn xuống cuộc sống loài người giống như cách các nhà sinh vật học nhìn vào các sinh vật khác, thì tôi nghĩ chúng ta có thể nhìn nhận vấn đề theo một cách khác. Hãy tưởng tượng một người quan sát siêu-nhân đang nhìn xuống chúng ta. Một người quan sát siêu-nhân như vậy sẽ chú ý tới tính giống nhau giữa các ngôn ngữ của loài người, bởi sự khác biệt rất mỏng manh giữa các ngôn ngữ, và bởi những khía cạnh nổi bật trong mọi ngôn ngữ đều giống nhau. Và sau đó anh ta sẽ để ý thấy chúng ta không chú ý tới điều đó bởi đối với mục đích sống của con người thì điều ấy khá hiển nhiên và thích đáng để mặc nhiên thừa nhận. Bản thân chúng ta không quan tâm tới điều đó, tất cả chúng ta chỉ lo về những khác biệt.
CÂU HỎI: Người quan sát siêu-nhân này cũng sẽ suy nghĩ như vậy về các biểu tượng, ý tưởng, nhu cầu, và các giá trị của chúng ta theo cách đó?
CHOMSKY: Hoàn toàn. Tôi nghĩ anh ta sẽ bị gây chú ý bởi sự giống nhau của mọi xã hội loài người trên mọi phương diện. Nó còn hơn thế nữa cơ. Hãy lại tưởng tượng một người quan sát nhìn vào chúng ta mà chưa hề có bất kì định kiến nào. Tôi nghĩ anh ta sẽ bị gây chú ý bởi thực tế rằng mặc dù loài người có năng lực phát triển tri thức khoa học thì đó cũng chỉ là một năng lực hết sức hạn chế bởi vì nó chỉ hoạt động trong những phạm vi rất nhỏ hẹp và đặc thù. Có những lĩnh vực rộng lớn mà tâm trí con người hình như không có khả năng hình thành các khoa học, hay ít nhất là vẫn chưa. Có những lĩnh vực khác – thực tế thì cho tới nay mới chỉ có duy nhất một – mà chúng ta đã chứng minh được năng lực phát triển khoa học thực sự.
CÂU HỎI: Vật lí ư?
CHOMSKY: Vật lí và những bộ phận của các lĩnh vực khác nảy sinh từ vật lí – hoá học, cấu trúc phân tử – trong những phạm vi này có rất nhiều tiến bộ. Trong rất nhiều các lĩnh vực khác, có rất ít tiến bộ trong việc phát triển nhận thức khoa học thực sự.
CÂU HỎI: Có phải bởi vì con người muốn thực hiện việc kiểm soát thế giới vật chất?
CHOMSKY: Tôi không nghĩ vậy. Tôi nghĩ nó chắc chắn phản ánh một điều gì đó rất đặc biệt về bản chất của tâm trí của chúng ta. Không có áp lực tiến hoá để tạo ra tâm trí có khả năng hình thành khoa học; nó chỉ tình cờ thôi. Áp lực tiến hoá không dẫn đến tỉ lệ cao hơn của sự tái tạo những người có khả năng giải quyết các vấn đề khoa học hay tạo ra những ý tưởng khoa học mới. Bởi vậy nếu, trong thực tế, những năng lực hình thành khoa học được tiến hoá vì những lí do khác thì chẳng có gì là ngạc nhiên khi những cấu trúc đặc thù đó (những cái được chứng minh là khá đặc biệt trong bản chất của chúng) phản ánh những sự ngẫu nhiên tiến hoá của chúng hay phản ánh hoạt động của quy luật vật lí.
CÂU HỎI: Ý ngài là nhờ nguồn gốc ngẫu nhiên này của khoa học mà chúng ta có thể có khả năng phát triển một số ngành khoa học và không thể phát triển một số ngành khác? Và rằng chúng ta không ý thức được điều đó?
CHOMSKY: Đúng, vì là con người nên chúng ta không quá ý thức về điều đó bởi chúng ta đương nhiên thừa nhận rằng các cấu trúc tinh thần của chúng ta là phổ quát. Nhưng tôi giả định một nhà sinh học bên ngoài quan sát chúng ta thì anh ta sẽ nhận thấy được những điều rất khác. Anh ta sẽ thấy rằng, giống như các loài sinh vật khác, con người chúng ta rất giỏi giang trong một phạm vi hẹp, nhưng phạm vi ấy lại rất hữu hạn. Và rằng, trong thực tế, chính những thành tựu mà chúng ta có thể có trong phạm vi đó lại liên quan tới sự thiếu vắng thành tựu trong các phạm vi khác.
Chỉ có thể xây dựng được một lí thuyết khoa học từ dữ liệu và có khả năng nhận ra rằng đó là một lí thuyết hợp lí khi có những nguyên tắc hạn chế rõ ràng đưa bạn đi theo một hướng nhất định chứ không phải theo những hướng khác. Nếu không thì sẽ chẳng có khoa học gì cả, mà chỉ đơn thuần là những học thuyết được lựa chọn ngẫu nhiên. Do vậy các thiên tài có vô hạn những cơ hội để phát triển theo một hướng, nhưng cùng lúc đó thiên tài này sẽ không đi theo những hướng khác. Và hai sự cân nhắc này là có liên quan với nhau. Chính những đặc tính của tâm trí con người cung cấp một phạm vi khổng lồ cho những thiên tài trong một vài lĩnh vực nào đó sẽ là những rào chắn ngăn cản sự tiến triển trong các lĩnh vực khác, giống như những đặc tính cho phép mỗi đứa trẻ thụ đắc được một ngôn ngữ phức tạp và thống nhất ở một mức độ cao sẽ ngăn cản việc tiếp thụ những hệ thống ngôn ngữ khác.
CÂU HỎI: Ngài nghĩ lĩnh vực nào chậm tiến và bị bỏ bê nhất?
CHOMSKY: Tôi nghĩ rằng về cơ bản chúng ta chẳng có gì trong lĩnh vực hành vi con người. Có thể đó chỉ là tình trạng thiếu hiểu biết tạm thời. Nhưng có lẽ đơn giản là chúng ta không được trang bị trí tuệ để phát triển một lí thuyết như vậy.
CÂU HỎI: Ý ngài là chúng ta không những không có công cụ để phát triển một lí thuyết như vậy mà còn không có khả năng tạo ra những công cụ cần thiết?
CHOMSKY: Đúng vậy, những công cụ trí tuệ. Tâm trí của chúng ta thích ứng một cách đặc trưng để phát triển những lí thuyết nhất định, và chúng ta có một khoa học nếu những lí thuyết có giá trị với tâm trí của chúng ta tình cờ lại gần với sự thật. Ồ, chẳng có lí do cụ thể nào để giả định rằng sự giao cắt của những lí thuyết đúng đắn và những lí thuyết có thể tiếp cận tâm trí là rộng lớn. Có lẽ nó không rộng lớn lắm đâu.
CÂU HỎI: Ít nhất thì chúng ta có thể biết nó rộng lớn đến nhường nào không?
CHOMSKY: Giao cắt đó rộng lớn như thế nào là câu hỏi của ngành sinh học. Và nếu con người là những sinh vật như mọi sinh vật khác, vậy thì chúng ta sẽ trông đợi rằng nếu có một vài lĩnh vực nào đó sẽ có thể có những tiến bộ khoa học thực sự thì cũng sẽ có những lĩnh vực khác lại không như vậy.
(Tạ Thành Tấn dịch)
Nguồn: Wiktor Osiatynski (Ed.), Contrasts: Soviet and American Thinkers Discuss the Future (MacMillan, 1984), pp. 95-101.