Thông số sách
Tác giả: Adair Turner (Cựu Chủ tịch, Cơ quan Dịch vụ Tài chính Anh)
Dịch và Hiệu đính: Thái Duy Tùng – Trần Mạnh Cường
Kích thước: 16×24
Số trang: 410
—
Lời giới thiệu cho bản tiếng Việt của Giáo sư Phạm Hi Đức
Từ các cuộc khủng hoảng …
Năm 2006 tôi ngồi uống cà phê bên bờ biển Vina del Mar, gần thủ đô Santiago của Chile thư giãn sau buổi làm việc cùng các đồng nghiệp đại diện các Ngân hàng Nhà nước Đức, Tây Ban Nha và Công ty Bảo hiểm Ký thác Liên bang Mỹ (FDIC), tôi đại diện nước Pháp, trong cuộc họp với Liên minh Ngân hàng Nhà nước Nam Mỹ. Ông Mark Schmidt, Giám đốc của FDIC quản trị vùng Đông nam nước Mỹ gồm 12 bang, diễn tả sự bàng hoàng của mình trước tình trạng nợ tư nhân phát triển ngoài tầm kiểm soát và mất vốn đang bị đe dọa của các ngân hàng thương mại khi thị sát bang Florida. Tôi còn nhớ mãi đến sau này khi xem một cảnh tương tự trong bộ phim The Big Short kể lại tay đầu cơ Mark Baum đã làm giàu bằng cách nào từ cuộc khủng hoảng vay nợ địa ốc. Câu chuyện đời thực bắt đầu từ năm 2004 khi thị trường địa ốc vay nợ vượt kiểm soát, cho đến khi Mark Baum đánh cuộc ngược lại Phố Wall và thắng một tỷ rưỡi đô la. Cuốn sách bạn đang cầm trong tay là một dụng cụ vô giá để hiểu các động cơ kinh tế, các suy diễn, tính toán sai lầm đã xảy ra trước, trong, và sau, cuộc khủng hoảng lớn nhất kể từ giai đoạn 1929-1933.
Chúng ta có hai cách nhìn lại cuộc khủng hoảng bắt nguồn từ nợ vay ngân hàng và chuỗi sự kiện đã châm ngòi cho bốn, năm cuộc khủng hoảng kế tiếp. Một mặt, sau khi khủng hoảng nợ vay Mỹ gây khủng hoảng hệ thống ngân hàng và phá sản Lehman Bro. (2008) kinh tế quốc tế trải qua khủng hoảng chính trị Hy Lạp và khiến cả nền kinh tế nước đó lâm vào cảnh thắt lưng buộc bụng và suy thoái, kéo theo sự mất niềm tin ở Liên Minh Châu Âu, khiến đầu tư vốn giảm sút và dẫn đến khủng hoảng thị trường chứng khoán Trung quốc, năm 2015. Theo lăng kính này (của Ngân hàng và Quỹ Tiền tệ Quốc tế) thì phải hủy diệt mầm mống nguy cơ từ gốc rễ là việc vay nợ. Họ dựa vào các mô hình kinh tế vỹ mô xây dựng theo lý thuyết mà các nhà kinh tế đang dạy trong các trường đại học danh tiếng, thúc đẩy các Ngân hàng Nhà nước các xứ Âu Mỹ Nhật áp dụng. Mặt kia, nhìn theo lăng kính xã hội và nhân lực, khung chính sách kinh tế cần phải đảm bảo niềm tin bằng cách thích nghi với hoàn cảnh tâm lý quốc nội. Như thế dânnhờ việc làm và hoạt động sản xuất tăng nhanh hơn nợ, thay vì giảm nợ mà mất việc trong cuộc suy thoái.
… đến chức năng điều hành và bắt mạch kinh tế
Điểm đáng nói là, ông Adair Turner nêu lên rất đúng một đặc trưng rất lớn của lăng kính thứ nhất: tuy rằng dựa trên các mô hình kinh tế cổ điển, nhưng cách tiếp cận thứ nhất lại quên rằng các mô hình kinh điển đó hoàn toàn không biết, không muốn, không dám, hay không thể mô hình hóa một loại tác nhân rất quan trọng, nằm ngay trung tâm cơn bão: các ngân hàng. Lý thuyết kinh tế cổ điển coi tiền chỉ là một cái màn phủ không có tác động thực. Nói đúng hơn thì, mô hình kinh tế cổ điển không phác họa các “tác nhân” mà chỉ diễn tả biến động kinh tế qua các “hàm”: tiêu dùng, đầu tư, xuất nhập khẩu, sản xuất … Với lối tư duy đó, mục đích của chính sách kinh tế không nhằm khớp hành vi của số đông tác nhân (người tiêu dùng, nhà công nghiệp, quỹ đầu tư …) với hành vi của một tác nhân điều hành (nghĩa là ngân khố, hay ngân hàng nhà nước, bộ kinh tế …) mà là điều chỉnh một hàm toán học bằng đầu ra của một hàm toán học khác.
Trường hợp Việt Nam lại càng phức tạp hơn: Trong các nước Âu Mỹ Nhật ngày nay, sự độc lập của Ngân hàng Nhà nước đối với chính phủ là một giáo điều phải tôn trọng trên hết. Ở guồng máy hành chính nước ta, ngân hàng nhà nước tuân thủ chính phủ, và không bó buộc bởi một “sứ mệnh” rõ ràng không thay đổi như ngăn chặn lạm phát, hoặc bảo vệ trị giá VNĐ, hoặc trợ giúp tăng trưởng sản lượng quốc gia, mà uyển chuyển thay đổi theo hoàn cảnh. Thực ra, ngân hàng nhà nước ta hoạt động như ở phần lớn các nước tiên tiến trước thập niên 1970, tức là như cánh tay mặt của chính phủ, chuyên cấp tiền, trong khi Ngân khố là cánh tay trái, chuyên thu thuế. Trong khuôn khổ nhiệm vụ “Chi” – chẳng hạn để thực thi chiến lược phát triển công nghệ sau Thế Chiến thứ hai ở Pháp – ngân hàng nhà nước có quyền in giấy bạc và cho chính phủ vay nợ đến bất kỳ mức nào. Trong bối cảnh đó, không dễ mà định hướng chính sách tín dụng, chính sách lãi suất, chính sách thanh khoản liên ngân hàng. Vậy câu hỏi đặt ra là làm gì, làm sao, để sở hữu một phương tiện xây dựng một bộ chính sách vỹ mô thích nghi để bắt mạch, chẩn bệnh và cho thuốc để điều hành một nền kinh tế?
Nợ và tiền tệ: công cụ hay cứu cánh?
Ai cũng biết tiền LÀ gì. Còn Tiền (với T hoa) để LÀM gì, thì cho tới gần đây, mọi nhà kinh tế đều đồng ý là có ba chức năng: phương tiện giao dịch, thước đo giá trị và công cụ dự trữ. Cả ba chức năng đó dựa trên niềm tin của người dân đối với đồng tiền. Bởi thế, đường lối điều hành kinh điển là không thể dùng tiền – qua việc in tiền mặt hoặc tạo nguồn tín dụng không kiểm soát – để làm phương tiện đạt các mục tiêu ngắn hạn như kích thích tăng trưởng, hoặc một mục tiêu chính trị như tạo một thời cơ dễ dãi về tiền bạc trước một cuộc bầu bán tranh cử có lợi cho phe cầm quyền. Ông Adair Turner dẫn dắt ta hiểu các cách nhìn công cụ tiền từ xưa đến cả những quan niệm lạ lẫm như tiền thả từ máy bay lên thẳng. Ông công nhận đã bắt đầu đi từ góc nhìn tân cổ điển, (không chấp nhận nợ như một phương tiện bình thường) và sau trải nghiệm bản thân, đã chuyển đổi cách suy nghĩ, sang góc nhìn “nợ không phải là Quỷ dữ”. Trong nhiều trường hợp, Nợ có thể dùng trong dài hạn như một phương thức bình thường. Khi đó nó cho phép vượt qua một số những điều cấm kị, để tránh dẫn đến những thảm họa xã hội như ở Hy Lạp. Người nhảy lầu, kẻ phá sản, gia đình thất nghiệp không phải chỉ là những chi tiết Lịch sử, mà có tác động đến niềm tin vào kinh tế, đồng tiền, từ đó ảnh hưởng sự hữu hiệu của các biện pháp tự cứu của một nền kinh tế.
Ở đây tôi xin cập nhật cái nhìn của chúng ta về Tiền. Tôi muốn đề cập một hiện tượng mới, gọi là tiền mật mã (crypto currency).
Chúng ta ai cũng biết tần suất dao động của « tiền » Bitcoin (và các loại tiền mật mã khác, chỉ có trong các tài khoản trên mạng điều hành với các thuật toán mã hóa mà không bao giờ in ra giấy bạc) đã kinh khủng như thế nào, từ vài trăm đô la lên hai chục ngàn rồi tụt xuống, trồi sụt để nay ở mức bốn, năm ngàn đô la. Nhưng ít ai nhận ra là ba chức năng cổ điển đã biến thành ba yêu cầu mới, thích nghi với xã hội ngày nay: tiền mật mã phải theo dõi được (traceability), lưu chuyển tức thì (instantaneity), và phải được công nhận bởi tất cả tác nhân mọi lúc mọi nơi (ubiquity). Thật thế, ngày nay từ một nền kinh tế sở hữu, các xã hội tây phương đã bắt đầu bước sang nền kinh tế chia sẻ (sharing economy): từ chiếc xe đạp bỏ ở góc đường (Velib bên Paris), hay xe lướt (Bird ở California) sang căn hộ AirBnB hay xe tài xế Uber, Blablacar, người tiêu dùng bắt đầu đặt trọng tâm vào việc sử dụng hơn là việc sở hữu. Tâm lý tiêu dùng thích nghi với hành vi tiết kiệm đi đôi với sự bền vững. Bởi thế tiền mật mã, đại diện bởi các chứng ký (‘‘token’’) rất phù hợp để trong tương lai thay thế tiền mặt.
Nhưng còn tín dụng?
Các ngân hàng thương mại ngày nay, khi cho vay, thực sự « chế » ra tiền thông qua tín dụng. Một loại tiền riêng của họ. Các nhà kinh tế đã phải chấp nhận sự thực đó sau khi mô hình của cựu Chủ tịch Cục Dự trữ Liêng bang Ben Bernanke thất bại trong việc hạn chế và điều hành số lượng tạo tiền của ngân hàng thương mại bằng tỉ lệ dự trữ của Ngân hàng Nhà nước. Ngày nay khi xã hội « số » chúng ta sắp « số hóa » tiền qua tiền mật mã của người tiêu dùng, các lý thuyết kinh tế vĩ mô cũ, không có khả năng mô hình hóa các ngân hàng, làm sao có thể giúp ta kinh bang tế thế được đây? Những tập đoàn quốc tế như GAFA (Google, Amazon, Facebook, Apple …) đã lưu trữ tiền của người tiêu dùng bằng cách xài tiền trên mạng xã hội liệu có tuân thủ các cơ quan chức trách tài chính quốc nội không?
Muốn thoát cả Nợ lẫn Quỷ Dữ, đâu là phương tiện giúp chúng ta tính toán con đường tối ưu?
Nói cách khác, làm sao chúng ta có thể tiên đoán sự chuyển động của nền kinh tế? Nên nhớ khi tín dụng tiền mật mã, trong nền kinh tế chia sẻ, tiêu dùng và giao dịch sẽ vận hành một cách khác, sẽ làm cho các chính sách kinh tế cổ điển không những không còn hiệu quả, mà như ông Turner vạch ra, còn gây hại thêm.
Năm tôi làm luận án Tiến sỹ ở trường Centrale Paris (đúng nửa thế kỷ sau khi cụ Tạ Quang Bửu đỗ vào trường này), thầy hướng dẫn tôi là GS. Henri Guillaume, một trong bốn người xây dựng mô hình DMS (Động lực học Đa ngành) tại Bộ Kế Hoạch và Nha Thống Kê giúp nước Pháp phát triển lại trong những thập niên 1960-80 sau Thế chiến thứ hai. Mô hình chạy trên máy tính điện tử khổng lồ, với kích thước bằng ba gian phòng, và phải chạy vài ngày đêm để giải toán. Vài năm sau, khi làm giảng viên tại trường cũ, tôi đã giảng dạy về các thuật toán tối ưu hóa. Lúc đó (1983-1988) các thuật toán ngày nay ta có thể dùng vào mô hình hóa sự lựa chọn của các tác nhân vẫn còn là một viễn cảnh xa vời vì máy tính cá nhân quá yếu. Vả lại khoảng thập niên 1980, khi tôi giảng dạy môn Chính sách Kinh Tế ở Học viện Chính trị Paris thì các phương trình cấp tiến thịnh hành còn là IS-LM-BP hoàn toàn tuyến tính. Người ta tìm ra điểm cân bằng với bút chì, giấy và bồn phép cộng trừ nhân chia. Ở thời điểm đó, mạng xã hội và internet chưa có, nên con người cư xử hành động trong việc sản xuất, tiêu thụ, đầu tư, phần lớn theo cá nhân. Do đó các mô hình dựa trên phân phối chuẩn còn rất đúng để diễn tả. Nhưng ngày nay với mạng xã hội, sự a dua, các mốt thời thượng được khuếch đại và đồng bộ hóa, nên các cách tính bằng phân phối chuẩn, chẳng hạn về các cú sốc trong các mô hình DSGE, yếu cơ sở rất nhiều, cách tính trị giá không rủi ro (risk free pricing) cũng sai đi rất nhiều. Đó cũng là một lý do dẫn đến suy sụp thị trường CDO làm Bear Stearns phá sản, dẫn đến khủng hoảng mà ông Adair Turner mô tả.
Cùng với đó thì việc áp dụng toán vào nghiên cứu kinh tế đã tiến triển nhiều. Các nhà kinh tế đoạt giải Nobel gần đây như Jean Tirole, Richard Thaler, Paul Romer rất chỉ trích các nhà lý thuyết kinh tế cổ điển, và họ cùng quan điểm với những tay thực hành như ông Turner, tuy rằng lý do căn bản rất khác. Trong cách nghiên cứu hành vi người tiêu dùng, người đầu tư v.v…, các lý thuyết gia mới này dùng những phương trình hoặc mô hình sát thực để dự đoán, trong khi ông Adair Turner đánh giá hệ quả quá khứ của việc áp dụng chính sách cổ điển sai lầm vì có nền tảng là con người hoàn toàn duy lý. Chẳng hạn, Richard Thaler (Nobel 2017) đã làm rõ hành vi “học bằng chấn chỉnh” (reinforced learning) của người tiết kiệm đóng tiền cho quỹ hưu trí của mình. Jean Tirole (Nobel 2014) với bài “Những động cơ và hành vi có ích cho xã hội” nay đã trở thành kinh điển, dùng phương trình vi phân bán phần để diễn đạt sự lẫn lộn ba động cơ (vị tha, ích kỷ và cái nhìn của xã hội) đúc kết thành tư duy và hành động của mỗi tác nhân. Paul Romer (Nobel 2018) trong bài ‘‘Vấn đề của kinh tế học vĩ mô’’ kể lại sự kinh ngạc khi thấy những giáo sư nổi tiếng như Ed Prescott lạm dụng các “cú sốc” như thế nào. Và ông trích câu châm biếm của một đồng nghiệp là cách vận hành của hệ thống bưu điện giúp chúng ta hiểu nền kinh tế hơn là lý thuyết tiền tệ!
Ngay từ 2010 tôi cùng với một nhóm giáo sư chủ yếu là từ miền bắc Italia gặp ở một hội nghị Iceland tham gia vào một phong trào đề xướng dùng giả lập với các mô hình đa tác nhân thay vào dùng giải tích với các mô hình hồi quy. Chúng tôi viết bản Reykjavik Manifesto và đặt cơ sở cho môn ngày nay gọi là Kinh tế học Chính trị Tiến hóa (Evolutionary Political Economics). Nó có khả năng mở ra một lối thoát cho một nền kinh tế mắc nợ, và những chính sách kinh tế theo con đường không nhất thiết phải thắt lưng buộc bụng dẫn đến suy thoái.
Bằng phương tiện kỹ thuật hơn, toán học hơn, ngành học này cũng đi đến cùng kết luận với ông Adair Turner: có một con đường sống giữa hai lựa chọn, Nợ hay là Quỷ dữ.
Paris, 20 tháng 4, 2019
Phạm Hi Đức
Trưởng Khoa Tài chính, Trường Kỹ sư ECE Paris, Pháp
Trưởng Bộ môn Toán Tài chính, Viện John Von Neumann, ĐHQG TP. HCM
Nguyên đặc trách Basel II Bộ Kiểm sát Ngân hàng Pháp
Giám đốc PricewaterhouseCoopers
Giám đốc Nghiên cứu Sàn Giao dịch Natexis
—
Mục lục
Lời cảm ơn 9
Lời tựa cho phiên bản tiếng Việt 13
Lời giới thiệu của giáo sư Phạm Hi Đức 19
Lời mở đầu cuộc khủng hoảng đang tới mà tôi chẳng hề nhận ra 26
Dẫn nhập những thứ này quá quan trọng để có thể giao vào tay các
chủ ngân hàng 32
PHẦN 1: TÀI CHÍNH BỊTHỔI PHỒNG 53
Một: Nền tài chính không tưởng cho tất cả 55
Hai: Các thị trường tài chính không hiệu quả 75
Phần II: nợ nguy hiểm 95
Ba: Nợ, ngân hàng và khối tiền được tạo ra 97
Bốn: Quá nhiều những khoản nợ sai lầm 110
Năm: Mắc kẹt trong bẫy nợ vượt ngưỡng 127
Sáu: Tự do hóa, phát kiến tài chính và chu kỳ tín dụng kích thích 145
Bảy: Đầu cơ, bất bình đẳng và tín dụng không cần thiết 172
Phần III: Nợ, Phát triển, và Dòng vốn 203
Tám: nợ và sự phát triển 205
Chín: Quá nhiều các dòng vốn sai lầm 227
PHẦN IV: Cải tổ Hệ thống 242
Mười: Những nhân viên ngân hàng vô can trong một hệ thống bất ổn 244
Mười một: Khắc phục những yếu tố cơ bản 261
Mười hai: Bãi bỏ các ngân hàng, đánh thuế ô nhiễm đối với nợ, và khuyến khích vốn chủ sở hữu 276
Mười ba: Quản lý số lượng và kết hợp nợ 288
PHẦN V: Thoát khỏi Nợ Vượt ngưỡng 310
Mười bốn: Tài trợ bằng tiền – phá bỏ điều kiêng kỵ 312
Mười lăm: Nợ nần và ác quỷ – sự lựa chọn những nguy cơ 338
Vĩ thanh câu hỏi của Nữ Hoàng và sự tự phụ chết người 351
Đánh giá
Chưa có đánh giá nào.