Khi bắt đầu viết bản đầu tiên của Nợ nần và Quỷ dữ, mục đích chính của tôi là khám phá những nguyên nhân của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008, và những hàm ý để thiết lập những quy định tài chính phù hợp trên phạm vi toàn cầu. Nhưng tôi ngày càng tin rằng căn nguyên của cuộc khủng hoảng năm 2008 và cuộc khủng hoảng tài chính châu Á năm 1998 nằm ở hai thất bại cơ bản của lý thuyết kinh tế học dòng chính hiện đại.
Trước tiên là sự thiếu tập trung vào bản chất thiết yếu của tiền tệ và khởi tạo tín dụng và những hàm ý đối với điều hành kinh tế vĩ mô. Và thất bại thứ hai là niềm tin mù quáng rằng những lợi ích từ cạnh tranh thị trường – rõ ràng đang tồn tại trong nhiều lĩnh vực của nền kinh tế – cũng có thể được áp dụng trong lĩnh vực tài chính.
Những thất bại này khiến chúng ta không thể lường trước được các cuộc khủng hoảng tài chính năm 1997 hoặc năm 2008, và thiếu sự chuẩn bị để áp dụng các chính sách phù hợp nhằm đạt được sự phục hồi mạnh mẽ sau khủng hoảng. Đối với một nền kinh tế đang phát triển như Việt Nam, những thất bại này nhắc nhở các nhà hoạch định chính sách phải suy nghĩ cẩn trọng để tránh những sai lầm trong quá khứ. Vì Việt Nam đang cố gắng cân bằng tính xã hội chủ nghĩa với các nguyên tắc thị trường và lộ trình phát triển kinh tế, tôi hy vọng rằng việc xuất bản bản tiếng Việt của Nợ nần và Quỷ dữ có thể góp một phần hữu ích nhằm hiểu được những thách thức mà Việt Nam sẽ phải đối mặt.
Trước cuộc khủng hoảng năm 2008, luồng tư tưởng thống trị kinh tế học phương Tây đã tôn sùng thị trường tự do như là giải pháp cho mọi vấn đề. Nhiều nhà kinh tế quan ngại về nợ vượt mức, nhưng hầu hết đều tập trung hoàn toàn vào nợ công. Họ lo rằng thâm hụt tài khóa lớn có thể tạo ra gánh nặng nợ công không bền vững. Ngược lại, tư tưởng kinh tế học dòng chính lại cho rằng nếu các ngân hàng tăng thêm tín dụng cho các cá nhân hoặc công ty tư nhân, thì điều này ắt phải mang lại lợi ích vì các quyết định được đưa ra từ những nhân tố kinh tế duy lý và có tầm nhìn.
Tuy nhiên, trên thực tế tại hầu hết các quốc gia, cuộc khủng hoảng năm 2008 gần như hoàn toàn là kết quả của khởi tạo nợ tư nhân vượt mức, với các ngân hàng và “ngân hàng ngầm” đẩy mức đòn bẩy nợ trong khu vực tư nhân (tỷ lệ nợ tư nhân so với GDP) đến ngưỡng cao đáng báo động.
Cuộc khủng hoảng tài chính khổng lồ về sau đã khiến tăng trưởng toàn cầu trong năm 2008-2009 sụt giảm, và buộc nhiều chính phủ phương Tây phải sử dụng tiền ngân sách để giải cứu các ngân hàng. Nhưng quan trọng hơn, nó đã khiến các nền kinh tế phát triển trên toàn thế giới đối mặt với tình trạng nợ vượt ngưỡng trầm trọng, gây cản trở quá trình phục hồi kinh tế. Đứng trước tình trạng thiếu hụt cầu tiêu dùng cá nhân và cầu đầu tư của doanh nghiệp, các Ngân hàng Trung ương đã cố gắng khôi phục tăng trưởng kinh tế bằng cách duy trì cả lãi suất ngắn hạn và dài hạn gần bằng 0, với hy vọng rằng vay nợ nhiều hơn trong khối tư nhân có thể thúc đẩy sự phục hồi từ cuộc khủng hoảng mà trong đó đã có quá nhiều khoản nợ tư nhân được hình thành. Nhưng trong khi lãi suất thấp làm tăng giá tài sản và vốn chủ sở hữu, làm cho người giàu lại càng giàu hơn, chúng chỉ mang lại tác động yếu trong việc kích thích tăng trưởng kinh tế.
Vì vậy, tám năm sau cuộc khủng hoảng năm 2008, các nước phát triển giàu có chứng kiến tăng trưởng trì trệ của tiền lương thực tế, bất bình đẳng gia tăng và phản ứng chính trị gia tăng để phản đối một hệ thống kinh tế dường như chỉ mang lại lợi ích cho một nhóm nhỏ tinh hoa ở phạm vi toàn cầu, thay vì cho số đông dân thường. Quyết định rời khỏi Liên minh châu Âu của Anh, Tổng thống Trump trúng cử ở Hoa Kỳ và sự trỗi dậy của các đảng dân túy cực hữu trên khắp châu Âu, đều nảy sinh phần nào từ thập kỷ tăng trưởng kinh tế thất vọng này.
Vào năm 2016, dường như nỗ lực thúc đẩy phục hồi kinh tế chỉ nhờ vào công cụ lãi suất đã đạt đến giới hạn và các Ngân hàng Trung ương lớn đã “hết đạn”. Nhiều nhà kinh tế, bao gồm cả cựu Bộ trưởng Tài chính Hoa Kỳ, Larry Summers, lo ngại rằng các nền kinh tế phát triển bị mắc kẹt trong tình trạng “đình trệ kéo dài”, mà họ chỉ có thể thoát ra bằng cách triển khai những ý tưởngchính sách triệt để.
Tuy nhiên, ba năm sau, tăng trưởng kinh tế toàn cầu đã mạnh hơn nhiều và đặc biệt là nền kinh tế Hoa Kỳ đang hoạt động khá tốt. Vậy điều gì đã thay đổi? Câu trả lời khá đơn giản là ba nền kinh tế lớn nhất thế giới – Hoa Kỳ, Trung Quốc và Nhật Bản, đang phá vỡ các quy tắc mà lý thuyết kinh tế chính thống tiền khủng hoảng tin rằng nên áp dụng.
Cả ba nền kinh tế này đều đang duy trì thâm hụt tài khóa ở mức cao và/hoặc tăng đáng kể thâm hụt. Thâm hụt tài khóa của Trung Quốc đã tăng từ dưới 1% trong năm 2014 lên hơn 4% trong năm 2017 và duy trì ở mức này. Nhật Bản đã dừng kế hoạch xóa bỏ thâm hụt tài khóa cho đến năm 2020, và Ngân hàng Nhật Bản, bằng cách mua trái phiếu chính phủ, đang thực hiện “tài trợ bằng tiền trong dài hạn” rất hiệu quả, điều mà Chương 14 và 15 mô tả là trước đây được coi là một lựa chọn chính sách bị cấm. Tổng thống Trump đã cởi trói cho tăng trưởng kinh tế nhờ gói kích thích tài khóa lớn thông qua cắt giảm thuế và tăng chi tiêu quốc phòng, điều mà Đảng Cộng hòa sẽ chỉ trích là cực kỳ thiếu trách nhiệm, nếu như Tổng thống Obama cố làm điều tương tự.
Trước cuộc khủng hoảng, kinh tế học dòng chính phương Tây xem nợ công vượt mức là một hiểm họa nghiêm trọng. Nhưng chính nhờ kích thích tài khóa mạnh và các khoản nợ công gia tăng đã giúp tránh được đình trệ kéo dài.
Trung Quốc là một nền kinh tế lớn đã không trải qua nhiều năm tăng trưởng thấp và tiền lương thực tế bị chững lại sau năm 2008. Và đáng chú ý là Trung Quốc thường phá vỡ các quy tắc của lý thuyết thị trường tự do chính thống.Trên nhiều phương diện, Trung Quốc là một nền kinh tế thị trường, với những doanh nhân khởi nghiệp năng động và những công ty tư nhân xuất sắc đang thúc đẩy đổi mới và cạnh tranh mạnh mẽ trong và ngoài nước. Nhưng bên cạnh khu vực tư nhân hưng thịnh này, nhà nước đầu tư rất nhiều vào cơ sở hạ tầng giao thông, nghiên cứu và triển khai, và ủng hộ các hình thức phát triển công nghiệp đặc thù.
Ngoài ra, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc thường sẵn sàng sử dụng các công cụ chính sách mà các Ngân hàng Trung ương phương Tây cho là bị cấm, ví dụ bằng cách tài trợ vốn trực tiếp cho các ngân hàng, miễn sao chúng cho vay đối với các ngành hoặc các hoạt động mà nhà nước cho rằng đặc biệt quan trọng đối với tăng trưởng kinh tế hoặc các mục tiêu môi trường. Trung Quốc đã trở nên giàu có nhờ việc pha trộn các sáng kiến chính sách công và tư, vốn đã bị loại bỏ khỏi lý thuyết kinh tế chính thống về thị trường tự do tiền khủng hoảng.
Ngược lại, lý thuyết kinh tế chính thống này đã có ảnh hưởng lớn đến các chính sách mà một số nước châu Á theo đuổi trước cuộc khủng hoảng tài chính châu Á năm 1997. Tại Hàn Quốc, Thái Lan và Indonesia, chính phủ và Ngân hàng Trung ương đã làm theo lời khuyên của phương Tây để dỡ bỏ kiểm soát dòng vốn và nới lỏng quy định trên thị trường tài chính, để mặc cho sức mạnh giả tưởng của thị trường tự do thực hiện việc phân bổ vốn hiệu quả hơn. Và khi thị trường tài chính và ngân hàng tăng trưởng về quy mô, các nhà kinh tế đã chào đón sự “gia tăng chiều sâu tài chính” này như thể nó luôn mang lại lợi ích.
Sự chào đón bừa bãi này đối với hoạt động tài chính và quy mô nợ gia tăng đã bỏ qua bài học lớn trong giai đoạn tăng trưởng kinh tế trước đó của châu Á. Như Joe Studwell đã mô tả trong cuốn sách xuất sắc của mình “Châu Á vận hành như thế nào” (How Asia Works) mà tôi có nhắc đến trong Chương 8, tốc độ tăng trưởng nhanh chóng của Nhật Bản trong giai đoạn 1950-1980 và sự cất cánh của kinh tế Hàn Quốc trong thập niên 1960 và 1970, thực sự bị chi phối bởi kiểm soát tài chính chặt chẽ, với các chính sách có chủ ý của Ngân hàng Trung ương và chính phủ ủng hộ tăng cường tín dụng cho ngành sản xuất có định hướng xuất khẩu, và không khuyến khích tăng trưởng của cả tín dụng tiêu dùng và tài trợ bất động sản.
Thật vậy, một trong những chủ đề chính của Nợ nần và Quỷ dữ là nợ tư nhân có thể có nhiều hình thức khác nhau, với những hệ quả kinh tế khác nhau, và trái ngược với lý thuyết kinh tế chính thốngtiền khủng hoảng, chính sách công không nên coi tất cả các khoản nợ đều giống nhau, nhưng nên sẵn sàng hạn chế một số hình thức tín dụng, trong khi lại cho phép hoặc khuyến khích những hình thức khác. Và quan điểm về nợ cũng đúng với các dòng vốn quốc tế, như Chương 9 thảo luận. Một số dòng vốn, cụ thể là đầu tư vào công ty mang tính dài hạn, về bản chất là có lợi về mặt kinh tế, nhưng những hình thức khác của dòng vốn có thể gây ra bất ổn kinh tế và khủng hoảng.
Cuộc khủng hoảng tài chính châu Á năm 1997 xảy ra do có quá nhiều loại nợ sai và quá nhiều dòng vốn xấu, ví dụ, sự bùng nổ các dự án phát triển bất động sản ở Thái Lan và Indonesia được tài trợ một cách nguy hiểm bởi các khoản vay ngân hàng bằng đồng nội tệ, và nguồn tín dụng này được cấp vốn bằng ngoại tệ mạnh từ các thị trường quốc tế. Ngược lại, Trung Quốc hầu như không bị ảnh hưởng bởi cuộc khủng hoảng đó vì hệ thống tài chính của nước này đa phần biệt lập với thị trường vốn toàn cầu và các quy định của thị trường tài chính trong nước không bị dỡ bỏ hoàn toàn.
Việt Nam thời điểm đó hầu như là một nền kinh tế đóng và vẫn còn rất nghèo, vận hành chủ yếu dựa trên các nguyên tắc xã hội chủ nghĩa. Kể từ đó, Việt Nam đã mở cửa đáng kể, đang phát triển nhanh chóng, và với những con người có nền tảng giáo dục tốt, chăm chỉ và mang tinh thần doanh nhân, Việt Nam có điều kiện tốt lặp lại sự tiến bộ nhanh chóng giống như Trung Quốc trên con đường tiến đến mức thu nhập trung bình và mức thu nhập cao sau này.
Để đạt được thành công, Việt Nam sẽ phải để tài trợ tư nhân và đầu tư từ nước ngoài giữ vai trò chính, qua đó thúc đẩy phân bổ vốn tới các doanh nghiệp sản xuất và đạt được những lợi ích của sự chuyển giao kiến thức mà đầu tư nước ngoài có thể mang lại. Nhưng Việt Nam cần phải tránh sai lầm khi cho rằng nới lỏng hoàn toàn quy định tài chính là chính sách tốt nhất, và càng nhiều hoạt động tài chính thì càng có nhiều lợi ích.
Thông điệp chính của Nợ nần và Quỷ dữ là chính sách thông minh đòi hỏi phải có sự cân đối cẩn trọng.